Với 22 tác phẩm nhiều kích thước khác nhau, có thể nói các họa sĩ đã mang đến một không khí trẻ trung, tràn đầy năng lượng cho không gian phòng trưng bày dù họ chỉ vẽ với các đề tài giản dị: những đồ vật trong cuộc sống hằng ngày, những chân dung và phong cảnh…
Người xem được trải nghiệm nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, hoặc có thể mỉm cười với những ý tưởng hóm hỉnh trong tranh của Vũ Tuấn Dũng; hoặc gần gũi với cảm xúc lãng mạn trong tranh của Nguyễn Đức Việt; suy gẫm cùng những ẩn ý có khi đầy mâu thuẫn trong tranh của Nguyễn Tuấn Cường, Ngô Văn Dũng hay cùng với Trần Ngọc Ninh bận tâm về mối quan hệ đã đổi thay giữa cuộc sống hôm nay và giới tự nhiên do sự phát triển quá đà của văn minh.
Điều đáng chú ý ở triển lãm này là dù khác nhau về phong cách tạo hình nhưng điểm chung của họ là kỹ thuật xử lý chất liệu sơn ta khá điêu luyện. Họa sĩ Vũ Tuấn Dũng cho biết, ý tưởng thực hiện triển lãm này đã được năm anh em chuẩn bị từ cách đây vài tháng, ban đầu chỉ đơn giản là để có được một phòng tranh với cách nhìn đa chiều từ năm họa sĩ trẻ có phong cách sáng tác khác nhau, “thế nhưng khi bắt tay vào tổ chức triển lãm, chúng tôi nhận ra rằng sự ngẫu nhiên đơn giản ấy đã dẫn đến một gợi ý tích cực cho cái tên của phòng tranh: đó là số 5 – con số hoàn hảo nhất cho một sự gắn kết: “ngũ sắc” trong bảng màu truyền thống hay thuyết “ngũ hành” phương Đông”, Vũ Tuấn Dũng nói.
Điều đó đã được ghi nhận trong phát biểu khai mạc của Giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội. Theo ông Park Nark Jong, bên cạnh việc thưởng thức các tác phẩm đa dạng của năm tác giả trẻ Việt Nam, người xem sẽ cảm thấy thích thú khi nghiền ngẫm về tính biểu tượng của ngũ sắc trong từng tác phẩm: cho dù chủ đề bức tranh có là gì và họa sĩ có sử dụng màu sắc như thế nào thì tranh của mỗi người vẫn ứng với mỗi màu của “ngũ sắc”, hay nói cách khác màu sắc trong tranh thể hiện tính cách của mỗi người.
Nhóm Họa sĩ sơn ta Việt Nam ra đời vào tháng 5-2013, đến nay nhóm đã có vài chục thành viên và đã tổ chức được hai triển lãm nhóm khá lớn với sự tham gia của hầu hết các thành viên. Với phương châm hoạt động là gắn kết những họa sĩ vẽ bằng chất liệu sơn ta theo phương thức truyền thống, sinh hoạt nghề nghiệp của nhóm nhằm góp thêm tiếng nói khẳng định những giá trị độc đáo của tranh sơn mài Việt Nam.
Nhóm hoạt động trong phạm vi thành phố Hà Nội, có trang Facebook để trao đổi thông tin, giới thiệu tác phẩm và chủ nhiệm hiện nay là họa sĩ Nguyễn Trường Linh. Riêng với triển lãm này, năm họa sĩ trẻ đều là thành viên của Nhóm Họa sĩ sơn ta Việt Nam nên cuộc gặp gỡ của họ tại Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tiếp tục khẳng định sự độc đáo của chất liệu sơn ta không chỉ trong quá khứ mà cả ở đời sống mỹ thuật đương đại.
Tranh của Vũ Tuấn Dũng, Nguyễn Đức Việt, Nguyễn Tuấn Cường, Ngô Văn Dũng và Trần Ngọc Ninh đều từng dự triển lãm trong nước cũng như quốc tế (Trung Quốc, Nga, Ý…).
Triển lãm này nằm trong chuỗi các hoạt động do Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức nhằm tạo cơ hội cho các tác giả trẻ ở Hàn Quốc và ở Việt Nam giới thiệu sáng tác mới của họ với công chúng thủ đô Hà Nội. Đây cũng là môi trường để các họa sĩ giao lưu, trao đổi kinh nghiệm về hội họa sơn mài truyền thống Việt Nam và Hàn Quốc dưới nhãn quan hiện đại.